logo
logo
 0251 3922538
Vietnamese English

1. Giới thiệu

Sự phát triển của xã hội khiến diện tích đất chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Nó là lý do và cơ hội cho sự phát triển của các tiến bộ kĩ thuật mới trong chăn nuôi nhằm mục đích tăng năng suất chăn nuôi. Cũng từ đây mà các giống lợn của các nước phát triển được nhập về càng nhiều với mục đích để cải thiện đàn giống lợn trong nước. Kèm theo đó là những đòi hỏi về các biện pháp cải tiến kĩ thuật để phù hợp với các giống có năng suất cao.

Hai mục tiêu lớn của chăn nuôi lợn giai đoạn theo mẹ là giảm được tỉ lệ lợn con chết giai đoạn theo mẹ và tăng khối lượng cũng như sự đồng đều khối lượng lợn con cai sữa (S.Wattanaphansak et al, 2002). Cũng như một cuộc khảo sát ở Mỹ 1995 cho thấy rằng hai nguyên nhân chính gây nên hiện tượng chết giai đoạn theo mẹ là lợn con bị đè (48,7%) và thiếu dinh dưỡng (20.5%). Các nguyên nhân này hoàn toàn có thể được hạn chế bằng các phương pháp kĩ thuật trong đó có biện pháp chuyển ghép lợn con.

Ngoài việc giảm thiểu lợn chết do bị đè và thiếu dinh dưỡng, ghép đàn trên lợn con còn có ý nghĩa trong việc duy trì sự đồng đều của lợn con giai đoạn theo mẹ và cai sữa. Đặc biệt, khi mà các giống lợn cao sản ngày càng được nuôi nhiều hơn, số lượng sơ sinh sống của lợn được cải thiện đáng kể, bởi vậy mà ngày càng xuất hiện nhiều lợn con sinh ra thiếu vú. Các biện pháp chuyển ghép lợn con sẽ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề này.

2. Nguyên tắc của việc chuyển ghép lợn con

Nguyên tắc của việc chuyển ghép lợn con chính là phải đảm bảo tất cả lợn con phải bú đủ sữa đầu từ nái mẹ của chúng trước khi tiến hành nuôi ghép. Cần giữ lợn con ở với nái mẹ của chúng ít nhất từ 4 – 6 giờ sau khi sinh trước khi ghép đàn. Làm vậy là để đảm bảo cho lợn con có ít nhất bốn lần bú sữa đầu của mẹ đẻ, mỗi lần bú dài khoảng 40 phút. Một số trường hợp lợn sinh ra không hoặc tiết sữa đầu kém, người ta thường dùng sữa đầu của những con đã đẻ trước đó, bảo quản trong tủ lạnh, sau đó làm ấm rồi cho những con sơ sinh này uống.

Khi tiến hành ghép đàn, nên đưa các con cần ghép vào lồng úm của lợn nhận khoảng 15 - 30 phút rồi mới thả ra hoặc có thể sử dụng các loại bột có mùi có thể dùng để rắc hoặc thoa lên mình lợn con để lợn mẹ không phân biệt được lợn mới ghép vào đàn hay con đẻ của nó để tránh tình trạng cắn lợn con lạ.

Một số trại chăn nuôi ở Mỹ và Phương Tây thường hay tận dụng những nái đã đến tuổi loại thải cho việc ghép đàn, và việc ghép đàn được thực hiện ở một dãy nhà lợn riêng biệt. Làm như vậy vừa giúp đưa những nái còn trong tuổi đẻ đi cai sữa sớm, vừa không ảnh hưởng đến quy trình cùng vào – cùng ra trong nhà đẻ.

Chọn những lợn nái mẹ có thể trạng nhỏ, lành tính (hiền), kích cỡ núm vú nhỏ để nuôi dưỡng nhóm lợn sơ sinh yếu.

Theo dõi tình hình bệnh tật trong khu vực nái đẻ trước khi tiến hành ghép đàn. Điều này rất quan trọng vì làm giảm khả năng phát tán mầm bệnh. Tránh ghép lợn con khỏe mạnh sang những nái bệnh, và ngược lại.

Nên lựa những lợn đực con để thực hiện việc nuôi ghép đàn.

3. Các biện pháp chuyển ghép

3.1. Chuyển ghép lợn con khối lượng nhỏ

 

Hình 1: Chuyển ghép lợn con khối lượng nhỏ

Thông thường, khối lượng sơ sinh của lợn con trong một ổ thường không đều. Đặc biệt đối với các giống lợn siêu, số con sơ sinh sống cao, tỉ lệ lợn con có khối lượng sơ sinh bé nhiều. Nếu như không can thiệp, đa phần chúng không được bú sữa mẹ từ đó dẫn đến suy yếu và chết. Với biện pháp này, những lợn con sơ sinh bé trọng lượng sẽ được chuyển đến nái mới đẻ có sữa tốt. Những con khỏe mạnh ở những nái này sẽ được chuyển tiếp cho những nái khác để tạo ra sự đồng đều trong các ổ (hình 1).

3.2. Chuyển ghép với những ổ có nhiều con

Hình 2: Chuyển ghép những ổ có nhiều con

Tương tự như chuyển ghép những con bé trọng lượng, đối với những ổ có nhiều con. Đối với những nái có sữa tốt sau 21 ngày, lợn con đồng đều và có khả năng ăn tốt. Ta tiến hành cai sữa sớm đối với những lợn con này, mẹ của chúng sẽ được giữ lại để nuôi con của những ổ có số con sơ sinh nhiều. Từ đó giảm được gánh nặng của những ổ có số lượng lợn sơ sinh cao, đồng thời tăng được số con cai sữa/ổ (hình 2).

3.3. Chuyển ghép lợn con theo hai bước

Hình 3. Chuyển ghép lợn con theo 2 bước

Đối với biện pháp 2, chuyển ghép khi có nhiều con. Điểm hạn chế của phương pháp này là chỉ sử dụng được đối với những ổ có lợn lớn, khỏe mạnh, đồng thời quá trình nuôi của nái được ghép không được lâu (nái nuôi con được cai sữa trước 28 ngày). Vì vậy mà phương pháp chuyển ghép thứ 3 này sẽ khắc phục được nhược điểm của phương pháp trước đó. Đối với biện pháp này, bước đầu tiên là cai sữa những ổ có những con lớn. Những nái này sẽ được giữ lại để nuôi con của các ổ được 7 ngày tuổi mà có khối lượng lớn, khỏe mạnh. Tiếp theo đó, những con thừa của các ổ nhiều con sẽ được chuyển qua các nái nuôi con 7 ngày tuổi này để chúng tiếp tục nuôi. (hình 3). Như vậy, vừa đảm bảo được khả năng nuôi con của các nái, đồng thời tăng được tỉ lệ đồng đều của đàn lợn con.

3.4. Chuyển ghép hỗn hợp

          Các biện pháp trên thường thích hợp với các trang trại có quy mô chăn nuôi công nghiệp. Lúc này, số ổ đẻ trong cùng một khoảng thời gian khá nhiều, thuận tiện cho việc chuyển ghép. Tuy nhiên, một số trại quy mô nhỏ hoặc số lượng nái đẻ phân tán, không cùng một khoảng thời gian, người ta thường tiến hành nhiều biện pháp chuyển ghép song song làm sao để mang lại được hiệu quả một cách tốt nhất. Đôi khi, trong một thời gian nhất định chỉ có duy nhất 1 nái đẻ, số lượng lợn con lại lớn hơn số lượng vú. Lúc này người chăn nuôi lại tiến hành chia ra 2 nhóm để cho bú dần. Cụ thể là 1 nhóm sẽ được giữ lại trong lồng úm, 1 nhóm khác được bú mẹ trước. Sau đó khoảng 40-60 phút, lại tiến hành đổi nhóm. Như vậy sẽ đảm bảo được lợn con nào cũng được bú đủ lượng sữa cần thiết để phát triển.

          Mặt khác, ở các trang trại tiên tiến hiện nay, để tận dụng tối đa hiệu quả của biện pháp chuyển ghép này, sau một khoảng thời gian nhất định, người ta lại tiến hành công việc chuyển ghép và nó được xem như là quy trình chăn nuôi của trại. Cụ thể của biện pháp này là cứ 4-7 ngày, tùy theo trại, người chăn nuôi lại tiến hành chuyển ghép các đàn lợn giữa các ổ trong cùng một chuồng, sao cho càng đồng đều càng tốt. Đồng thời, những con yếu sẽ được liên tục đưa đến những ổ có nái nhiều sữa, những con khỏe mạnh sẽ được đến những con sữa ít hơn. Cứ như vậy đến khi cai sữa, tỉ lệ lợn con cai sữa đồng đều được nâng cao, nó cũng giúp hạn chế tỉ lệ chết theo mẹ, mang lại năng suất cho người chăn nuôi.

4. Kết luận

Giai đoạn chăm sóc lợn con theo mẹ có ý nghĩa quan trọng, nó quyết định đến hiệu quả sản xuất của một trại sinh sản. Chuyển ghép lợn con theo mẹ tuy chỉ là một khâu trong quy trình chăn nuôi lợn sinh sản. Tuy nhiên, nó lại có tác động lớn đến tỉ lệ hao hụt lợn con theo mẹ, độ đồng đều lúc cai sữa. Từ đó nó ảnh hưởng đến các khâu còn lại của quá trình chăn nuôi.

Nếu trại của bạn có tỉ lệ chết lợn con theo mẹ cao hơn 4%, thì bạn thực sự cần đọc lại bài viết này để cải thiện tình hình và tăng lợi nhuận cho bạn.

Phạm Ngọc Trung tổng hợp