logo
logo
 0251 3922538
Vietnamese English

Dịch tả lợn Châu Phi - Cảnh báo!

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do Myxovirrus chứa DNA lớn, sợi kép gây ra. Bệnh truyền lây qua ve (tickborn) gây sốt toàn thân lên 42 - 43°C. Tỷ lệ lợn bị ốm và chết rất cao, lên tới 100%.

Lịch sử bệnh

Bệnh phát hiện lần đầu tiên ở Kenia năm 1928 - 1934. Năm 1957 - 1960 bệnh xẩy ra ở Bồ Đào Nha và lây sang Tây Ban Nha, Anh, Ý và một số nước vùng Ban Tích. Năm 1967, xẩy ra ở Cuba, Brazil năm 1978 và một số nước Bắc Mỹ. Các đợt bùng phát ASF ở châu Âu được ghi nhận: Malta (1978), Ý (1967, 1980), Pháp (1964, 1967, 1977), Bỉ (1985) và Hà Lan vào năm 1986.

Trong năm 2007, ASF xẩy ra ở Georgia, Armenia, Azerbaijan, Iran và Nga (Chechnya, Bắc Ossetia-Alania, Ingushetia, Orenburg, Stavropol, Krasnodar và Vùng Rostovskaya). Tháng 8 năm 2012, bùng phát ASF ở Ukraine và tháng 6 năm 2013 ở Belarus.

Trong 8/2018, ASF lan rộng khắp miền Đông Bắc Trung Quốc và Rumania đã xác nhận bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất nước và tất cả 140.000 con lợn giống bị tiêu huỷ.

Nguyên nhân gây bệnh

Do Myxovirrus chứa DNA với nhiều typ và độc lực khác nhau. Trong lách lợn bảo quản -20°C đến -70°C, virus tồn tại từ 82 - 105 tuần, ở 37°C là 22 ngày, ở 56°C sống 180 phút. Trong điều kiện axit (pH = 5,3) 99% virus chết trong 15 - 20 giây. Các chất khử trùng Formol 1,5% - 2%, NaOH 3 - 4%, nước vôi 20%, hoạt chất Iodine, Benzalkonium, Virkon.S đều có thể tiêu diệt virus.

Đặc điểm dịch tễ

Lợn rất mẫn cảm với virus ASF và nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc từ phân, nước tiểu hoặc từ chó, mèo, các vật dụng, kể cả con người. Côn trùng như ruồi, muỗi, ký sinh trùng đều là vật mang trùng và lây nhiễm cho lợn. Lợn có thể mắc bệnh quanh năm với mọi lứa tuổi.

Cơ chế sinh bệnh

Sau khi thâm nhập vào cơ thể lợn, virus tự nhân lên rất nhanh. Có thể phân lập virus ở hạch lâm ba cổ và họng sau 24 giờ, ở gan, lách, phổi sau 48 giờ. Sau 3 - 7 ngày virus di trú đến tất cả các cơ quan, tổ chức của cơ thể gây nhiễm trùng huyết nặng và sốt trên 42°C. Virus ASF gây các ổ viêm xuất huyết, hoại tử, tụ huyết nặng làm tắc nghẽn mạch máu ngoại vi làm da thâm tím.

Triệu chứng lâm sàng

Thể cấp tính

Lợn sốt đến 42°C, không có triệu chứng rõ ràng vài ngày tới 1 tuần. Ho, thở gấp, sau đó lợn mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, nằm, chán ăn và nôn mửa. Lợn đi lại khó khăn, chân sau yếu hoặc bị bại. Ở lợn trắng, chân xuất huyết tím xanh, đỏ tím rõ ở tai (Hình 2), mõm và bụng có thể bị hoại tử và dịch rỉ. Mủ chảy ra từ mũi và mắt có ghèn. Lợn nằm lộn xộn, run rẩy, đứng không vững. Thể nhẹ, lợn giảm cân, gầy kèm viêm phổi, loét da và sưng khớp. Lợn nái sẩy thai. Đặc biệt, trước khi chết, lợn tiêu chảy hoặc táo, đau đớn khi tiểu và đại tiện, phân có máu. Lợn bị ASF, thân nhiệt tăng cho đến lúc gần chết thì hạ xuống mức bình thường. Tỷ lệ ốm, chết tới 100% sau 1 đến 2 tuần.

Thể á cấp tính

Các triệu chứng gần giống thể cấp tính và thường thấy ở châu Âu với biểu hiện nóng sốt thất thường, lợn ít ăn, giảm cân, ho thường xuyên và khó thở. Lợn đi lại khó khăn do viêm khớp. Ở thể này bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 7 tuần với tỷ lệ chết từ 50 - 70%.

  

Hình 1. Xác chết cứng rất nhanh (Theo PigWorld)


Hình 2. Xuất huyết đỏ tím rõ trên tai

Thể mãn tính

Tỷ lệ tử vong thấp, bệnh kéo dài (>1 năm).Các triệu chứng cũng giống như thể cấp và á cấp nhưng có mức độ yếu hơn; chủ yếu rối loạn hô hấp, tiêu hóa, nóng sốt thất thường và giảm cân. Da có thể hoại tử, viêm loét, khi mổ khám thấy cơ tim viêm, phổi viêm dính sườn. Bệnh kéo dài từ vài tháng tới hơn 1 năm với tỷ lệ chết 30 - 50%.

Thể tiềm ẩn

Khi bệnh qua giai đoạn cấp, á cấp và mãn tính đều mang trùng gây bệnh trong một thời gian dài. Ít khi phát ra lâm sàng, nhưng thỉnh thoảng lợn ho, sốt thất thường, mắt ghèn, mũi có dịch nhầy.

Bệnh tích mổ khám

Lợn ốm và chết đột ngột với đặc trưng xác cứng rất nhanh (Hình 1). Các vùng da tai, chân, bụng và đuôi xuất huyết lấm tấm khác với dịch tả lợn thường (cổ điển) là mảng da bị xuất huyết nhanh chóng có màu xanh tím.

Trên thực tế bệnh rất khó hoặc không thể phân biệt với dịch tả lợn cổ điển. Chủ yếu là xuất huyết trong cơ quan nội tạng như gan, lách, hạch bạch huyết, thận, thanh quản, bàng quang và nhiễm trùng da. Lách sưng to, xuất huyết điểm từ đỏ đậm tới đen, mềm bở (Hình 3), phù nề đường tiêu hóa, tràn dịch khoang ngực - bụng lẫn máu xuất huyết lấm tấm ở các màng tương (Hình 4) (trương viêm màng phổi, tim tích nước). Dạ dày xuất huyết và loét hoại tử.Thận xuất huyết và phù, gan và túi mật sưng phù (Hình 5).Tim sưng to trong bao hoạt dịch vàng/đục chứa nhiều sợi fibrin. Cơ tim và vành tim xuất huyết điểm. Ruột già xuất huyết, hoại tử với các nốt loét xoáy trôn ốc như cúc áo. Ruột thừa phình to. Niêm mạc ruột non viêm đỏ có xu hướng viêm hoại tử.

 

Hình 3. Lách sưng, xuất huyết đỏ đậm-đen, mềm bở.

 

Hình 4. Xuất huyết lấm tấm ở các màng tương

 

Hình 5. Gan và túi mật sưng phù

Chẩn đoán thực địa

- Bằng dịch tễ: bệnh vẫn nổ ra khi đã tiêm phòng dịch tả lợn cổ điển.

- Qua lâm sàng: Sốt rất trên 42°C duy trì lâu. Các vùng da bị xuất huyết nhanh chóng có màu xanh tím. Chảy máu mũi, hậu môn và lợn rất đau khi đi tiểu tiện và đại tiện, trong phân lẫn máu.

- Theo bệnh tích: Viêm xuất huyết toàn cơ thể, lách, gan sưng rất to, mép tù. Điển hình xuất huyết cơ tim, vành tim và tim trong bao dịch màu vàng/vàng đục. Xác chết cứng rất nhanh.

Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Nhận diện virus bằng chứng minh kháng nguyên của ASFV trong mô hay kháng thể. ASFV bắt đầu xuất hiện trong máu vào khoảng 2 ngày sau khi bị nhiễm. Các mẫu thu thập cho phòng thí nghiệm gồm: Máu pha chất kháng đông heparin, máu không kháng đông hay huyết thanh, hạch lâm ba dưới hàm, trước đùi, hạch hạnh nhân, lách, hạch lâm ba ruột-gan, phổi, gan và thận được ướp lạnh và gửi đi. Có thể gửi mẫu máu của heo mẹ xảy thai để xét nghiệm.

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt ASF với bệnh dịch tả lợn cổ điển, đóng dấu son và bệnh thương hàn.

Đề phòng ASF

Về phương diện quốc gia cần kiểm soát ở ba cấp độ: (i) ở địa phương nơi nghi ngờ; (ii) ở cấp khu vực vùng miền và cận lân; và (iii) ngăn chặn vận chuyển qua biên giới và ngưng nhập sản phẩm động vật. Kiểm soát nghiêm ngặt các lò giết mổ, chợ và siêu thị. Có biện pháp vận động ngăn lợn trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với lợn rừng lợn địa phương thả rông.

Ở cấp độ trang trại, lợn cần được nuôi trong các chuồng trại có điều kiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên. Kiểm soát chặt người ra vào trại thường xuyên và các kho cám.

Ngưng hoặc hạn chế nhập đàn từ nơi khác đến.

Kiểm soát khi nghi nhờ có ASF

Các trang trại nghi ngờ bị nhiễm phải được kiểm dịch;

Không được phép di chuyển lợn hoặc bất kỳ sản phẩm thịt nào từ lợn;

Tất cả lợn nếu chắc chắn bị nhiễm phải được thiêu hủy hoặc chôn sâu tại chỗ;

Theo dõi, giám sát đàn lợn nếu phát hiện lợn có triệu chứng, bệnh tích điển hình ASF thì cần lấy mẫu gửi Chi cục thú y vùng để xét nghiệm chẩn đoán;

Xe phải được khử trùng khi vào và rời khỏi trang trại;

Giày ủng, quần áo bảo hộ, dụng cụ và thiết bị được khử trùng giữa các trại.

Điều trị

Không có thuốc điều trị mà phải nhanh chóng tiêu hủy, khử trùng tiêu độc tận gốc.

Phòng bệnh bằng vaccine

Chưa có vaccine hữu hiệu và đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ở Mỹ

 

Lê Phạm Đại tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

  1. Costard S., Wieland B., de Glanville W., Jori F., Rowlands R., Vosloo W., Roger F.,  Pfeiffer D. U., and Dixon L.K. (2009), “African swine fever: how can global spread be prevented?”, Phil. Trans. R. Soc. B, (364), pp: 2683–2696.
  2. 2. PigSite. "African Swine Fever (ASF)".
  3. Close to 23,000 pigs killed as African swine fever ravages Estonian farms, Estonian Public Broadcasting, Tallinn, 21 July 2015. Retrieved: 12 August 2015.
  4. Farms in three regions have all reported outbreaks, Pork Network. Retrieved: 21 March 2017.
  5. Pigworld/http://www.pig-world.co.uk/uncategorized/why-african-swine-fever-is-a-serious-threat-to-the-eu-pig-industry.html
  6. Lê Văn Năm (2013), Dịch tả lợn Châu Phi

http://toquoc.vn/thu-y/dich-ta-lon-chau-phi-116189.html