Bệnh viêm phổi màng phổi trên lợn (APP)
APP (Actinobacillus pleuropneumoniae) là bệnh viêm màng phổi khá phổ biến trên lợn và gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi do giảm năng suất (sinh sản kém, tăng trưởng kém), tăng tỷ lệ chết, tỷ lệ loại thải và tăng cao chi phí sản xuất.
Vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae trước đây gọi là vi khuẩn Haemophilus pleuropneumoniae và có ít nhất là mười hai chủng khác nhau. Một số chủng không có bệnh và không gây bệnh, nhưng những chủng khác gây ra bệnh rất nặng. Trong đó, chủng 1, 5, 9, 11 và 12 là có độc lực cao, còn các chủng 3 và 6 là có thể gây bệnh rất nhẹ. Gia súc thường mang mầm bệnh ở trong hạch hai bên cuống họng và đường hô hấp và thời gian ủ bệnh rất ngắn, ít nhất là từ 12 giờ đến ba ngày. Bệnh lây lan từ con này sang con khác chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể tồn tại trong chất thải, huyết thanh v.v. cho tới 5 ngày. Chúng cũng chết một cách nhanh chóng trong điều kiện khô ráo, nhưng có thể tồn tại trong môi trường nước đến 20 ngày hoặc nhiều hơn. Vi khuẩn APP có thể tồn tại trong phổi và hạch hai bên cuống họng trong thời gian dài ít nhất 4 tháng. Bệnh lây lan từ lợn này qua lợn khác do tiếp xúc qua đường hô hấp “nose to nose”. Các bệnh tai xanh và bệnh viêm phổi do Mycoplasma có thể làm cho bệnh nặng thêm. Ở đàn lợn bình thường, không chích ngừa khả năng mắc bệnh có thể tới 30%. Khi bệnh APP tấn công vào phổi, các độc tố sinh ra gây thương tổn nghiêm trọng đến các mô, làm cho các mô này chuyển từ màu xanh sang màu đen (hoại tử) kèm theo quá trình viêm màng phổi tăng nhanh. Đồng thời, khoang ngực nhanh chóng chứa đầy chất dịch lỏng.
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh cấp tính
Lợn từ cai sữa tới khi giết mổ có thể nhiễm bệnh, nhưng thường từ 8 đến 16 tuần tuổi, do kháng thể từ mẹ không còn. Bệnh phát triển nhanh, nên nhiệt độ cơ thể thường cao. Lợn đột tử thường có dấu hiệu máu chảy kèm với bọt thải ra từ mũi. Lợn chết là do viêm phổi hoại tử, độc tố do vi khuẩn sinh ra kèm theo chứng suy tim khi mắc bệnh. Khi mổ khám, có thể nhìn rõ màng phổi viêm nặng, khoang phổi ứa dịch cùng với sợi huyết dính chặt với xoang ngực. Màu phổi đục mờ với bề mặt cắt xù xì. Đồng thời phổi xuất huyết hoại tử có nhiều fibrin.Bệnh mãn tính
Bệnh xảy ra tại cùng một thời gian như ở bệnh cấp tính với viêm phổi đặc trưng bởi thường thở thể bụng, rất khó thở với cảm giác đau đớn, khoảng cách giữa các cơn ho ngắn, khoảng 1-3 cái/lần, tai có thể chuyển sang tím xanh. Khác với bệnh viêm phổi do Mycoplasma cơn ho thường kéo dài 7-10 cái/lần. Khi lợn mắc bệnh lâu ngày, thể trạng trở nên gầy yếu, xương sườn nổi rõ, lợn ăn kém nên khả năng tăng trọng rất thấp. Lợn bệnh có thể mang mầm bệnh trong một thời gian dài, do vậy đây là nguy cơ đối với những đàn gia súc non kế tiếp. Ở thể này có thể quan sát thấy các ổ áp xe trên phổi khi mổ khám. Đặc biết nếu bệnh xẩy ra quá cấp, mổ khám phổi xuất huyết tràn gần như toàn khoang và nếu cắt ra có nhiều máu.
Hình 1. Heo đột tử chảy máu ở mũi (Ảnh Lê Phạm Đại)
Hình 2: Bệnh APP lợn 3 tháng tuổi, màng phổi dính chặt với xoang ngực (Ảnh: Donal Toolan).
Chẩn đoán
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, lịch sử đàn, mổ khám nghiệm lợn chết và kiểm tra tại lò mổ để truy xuất xứ trại, kết hợp nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm để chuẩn đoán bệnh. Khi mổ khám, bệnh tích có thể thấy phổi bị tổn thương rất đặc trưng với phần màu đỏ-xanh lớn do viêm màng phổi ở thùy cơ hoành. Đặc điểm này có thể bị nhầm lẫn với bệnh tích gây ra do bệnh cúm lợn.
Bệnh tương tự
Bao gồm các bệnh viêm phổi do Mycoplasma, Tai xanh, Cúm lợn và viêm phổi do Thương hàn.
Điều trị
Đối với thể cấp tính, điều quan trọng là phải xác định các biểu hiện lâm sàng rất sớm và điều trị từng cá thể bằng cách tiêm. Khi lợn bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn hoặc ngừng uống nên trộn thuốc vào thức ăn và nước uống là không có hiệu quả. Bệnh viêm phổi màng phổi (APP) thường rất nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh. Ngay ngày đầu tiên tiêm lợn hai lần cách nhau tám giờ với các kháng sinh sau đây thường có hiệu quả.
- Amoxycillin
- Ampicillin
- Ceftiofur là một loại thuốc dẫn xuất rất nhanh chóng và có đáp ứng rất tốt.
- Enrofloxacin
- Tiamulin, OTC, LA có thể sử dụng trong các trường hợp mãn tính hơn.
- Penicillin
- Penicillin / streptomycin
Điều quan trọng là phải xác định thời điểm bệnh này có thể xảy ra, để đánh giá các yếu tố bất lợi của môi trường và áp dụng chiến lược sử dụng thuốc ngay trước khi phát bệnh.
Như vậy, trong thời điểm nguy cơ phát bệnh có thể trộn thuốc vào thức ăn:
- Phenoxymethyl penicillin 200-400g / tấn
- Chlortetracycline 500-800g / tấn
- Trimethoprim / Sulpha 300-400g / tấn
- Oxytetracycline 500-800g / tấn
- Tilmicosin 200 đến 400g / tấn trong 7 - 15 ngày
Trong thời điểm nguy cơ có thể phòng bệnh bằng cách cho kháng sinh trên vào nước uống trong vòng 4-7 ngày sẽ có hiệu quả hơn.
Hình 3. Viêm phổi và màng phổi mặt lưng phổi điểm dính sườn (ảnh Pig333.com)
Kiểm soát bằng quản lý và phòng bệnh
Đó là tìm cách a) Loại trừ các chủng cường độc ra khỏi đàn; b) Phòng qua biểu hiện bệnh lâm sàng khi chủng độc lực cao có mặt.
Loại trừ bệnh ra khỏi đàn
Thực tế cho thấy, một đàn không bao giờ được chủng ngừa là đàn có nguy cơ tiềm tàng. Có nhiều loại vaccine khá hiệu quả nhưng chỉ ngừa được týp huyết thanh tương đồng và không có khả năng chống lại các chủng khác. Trong khi đó, lây nhiễm tự nhiên có xu hướng chủng ngừa chống lại tất cả các type của bệnh này.
Đối với đàn lợn giống quan trọng nhất là không có các biểu hiện lâm sàng của bệnh (không có cả các tổn thương đặc trưng trong phổi) và bằng mọi giá cố gắng loại các chủng cường độc ra khỏi đàn. Nhưng về lâu dài chiến lược này cũng khó thực hiện tại các khu vực bệnh thường xuyên xẩy ra với mức độ tập trung nhiều trại gần nhau và khả năng lây nhiễm bệnh cao. Trong khi đó, đối với đàn lợn giống nuôi tách biệt thì việc loại bệnh ra khỏi đàn và duy trì trong thời gian dài là rất khả thi (tuy nhiên bệnh có thể xảy ra từ các nguồn khác).
Các biện pháp sau đây cần được áp dụng:
• Ngăn chặn xâm nhập của chủng độc lực cao bằng cách kiểm tra từ gốc các đàn nhập về và đàn tại chỗ thường xuyên (qua cả lò mổ kiểm tra lâm sàng trên phổi).
• Thực hiện nghiêm ngặt quy trình thú y, ra vào và bảo hộ được sát trùng kĩ.
• Kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển lợn, cám, vật tư v.v…
• Khi xét nghiệm đề phòng kết quả dương tính giả gây quyết định sai làm xử lí tốn kém.
• Áp dụng kĩ thuật cai sữa tách đàn, kiểm soát bệnh sớm
Phòng chống các chủng cực độc của bệnh khi có biểu hiện lâm sàng
• Khi đàn giống bị nhiễm, thời điểm để quan sát được biểu hiện lâm sàng là lợn trên 15kg. Nếu xảy ra cần xem xét lịch chích ngừa:
• Chích ngừa bệnh viêm phổi do Mycoplasma và kiểm soát PRRS.
• Chích ngừa định kì lợn nái và hậu bị vaccine APP.
• Thực hành tất cả cùng vào cùng ra, tránh sử dụng chuồng sản xuất liên tục.
• Tránh stress và nuôi chật.
• Tránh sự dao động nhiệt độ chuồng trại quá lớn và nhanh.
• Tránh độ ẩm thấp và nhiệt độ thấp.
• Phun sương khử độc để giảm vi trùng vi khuẩn trong không khí (VirkonS 1%).
• Tăng mức vitamin E bằng 50-100g / tấn.
• Duy trì thông thoáng không khí và mát mùa hè giữ ấm mùa đông.
• Nước uống đầy đủ, tự do.
• Trộn thuốc phòng trước thời điểm nguy cơ bệnh xẩy ra.
• Sẵn sàng có kháng sinh cần thiết để điều trị kịp thời lợn ốm.
Ngoài ra, đối với đàn lợn thịt, khi nhiễm bệnh cần bổ sung thêm các biện pháp sau:
• Không nhập thêm từ nhiều đàn khác nhau.
• Không trộn lợn từ đàn bệnh với đàn sạch bệnh.
• Trộn thuốc phòng một thời gian sau khi nhập đàn.
• Đánh giá kết quả của việc tiêm ngừa bệnh.
Lê Phạm Đại tổng hợp và tham khảo từ Thepigsite.com
http://www.thepigsite.com/pighealth/article/309/actinobacillus-pleuropneumonia-app/