logo
logo
 0251 3922538
Vietnamese English

Hội chứng hoại tử tai ở lợn

 Xẩy ra trên toàn thế giới với tuổi từ lợn cai sữa, lợn choai và sinh trưởng đến xuất chuồng. Tai lợn bị sẫm máu, da sưng tấy chuyển màu tím đen do hoại tử và bị từ chối khi xuất chuồng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của hoại tử tai là rối loạn tuần hoàn và chấn thương. Trong quá trình nhiễm bệnh Thương hàn, Dịch tả hay Đóng dấu lợn các cục máu đông gây cản trở lưu thông máu và gây tắc nghẽn mạch máu ở tai, miệng, đuôi và bàn chân. Do máu dẫn đến phần cuối tai bị cắt hoàn toàn làm tai hoại tử. Tương tự, ở bệnh cúm lợn, virut gây ra sự gia tăng của các tế bào lót các mạch máu làm mạch dày lên gây nghẽn mạch và dẫn đến tai bị hoại tử. Nhiều nhà chăn nuôi cho rằng, bệnh có thể bội nhiễm từ PCV2, tuy nhiên, Sheila và ctv (2010) đã chứng minh ngược lại và cho rằng hoại tử tai xảy ra do sự tương tác của một số yếu tố và các bệnh lây nhiễm khác.

Khi lợn ăn phải nấm mốc Claviceps purpurea (loại nấm có trong lúa và lúa mạch đen), các thành phần hoạt tính làm co thắt mạch máu và gây ra hoại tử ở tai. Một số yếu tố khác như sự hoảng loạn do tiếng ồn của máy móc, tốc độ không khí hoặc quạt quá lớn, chất lượng không khí kém cũng làm lợn kích thích cắn tai và cắn đuôi nhau. Các vết thương bị cắn này trở thành vị trí thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nên hoại tử. Ngoài ra bệnh viêm loét da rỉ dịch cũng gây kích thích làm lợn cắn tai nhau gây hoại tử hoặc các tác nhân khác như bệnh xoắn khuẩn từ các chủng spirochaete và treponema pedis cũng đã gây ra gần 60% các vết loét trên thế giới.

Quá trình gây bệnh

-           Thường xẩy ra sau khi nhiễm các các bệnh Thương hàn, Dịch tả và Đóng dấu lợn.

-           Nếu hoại tử tai do ăn thức ăn nhiễm nấm mốc thường không thể lây, nhưng bệnh sẽ xảy ra trong các chuồng lợn tiếp tục cho ăn cùng khẩu phần bị nhiễm nấm mốc.

-           Hoại tử tai do các vi khuẩn như Staphylococus hyicus, Treponema pedis có thể lây từ lợn bị bệnh đến những con lành bệnh do cắn nhau tiếp xúc qua mũi miệng. Bệnh có thể lây lan do lợn tiếp xúc với chuồng trại và các thiết bị không được khử trùng.

Biểu hiện lâm sàng

Tai hoại tử xuất phát từ rối loạn tuần hoàn xuất hiện khi cuối tai có màu tím đen, chết khô dần và rơi xuống, để lại một cái tai như bị kéo cắt theo một đường thẳng (Hình 1). Hoại tử tai do cắn nhau gây chấn thương thường ít gặp, đặc biệt khi lợn được nuôi theo lứa khép kín. Nếu có chỉ bắt đầu ở góc nhỏ bên ngoài cuối tai. Vết thương nhỏ này kích thích, thu hút sự chú ý cả đàn lợn cùng nhai cắn thường xuyên làm lớn dần, diện tích mô sưng tăng sinh, viêm và chảy máu (Hình 2).

Cần phải kiểm tra kỹ hơn để phát hiện, phân biệt các vết thương hoại tử do cắn tai, do chấn thương khác và nhiễm trùng da. Còn nguyên nhân hoại tử tai do rối loạn tuần hoàn cần phải được chuẩn đoán phân tích hồi cứu. Chẳng hạn bệnh thương hàn là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay ở Tây Âu, và việc kiểm tra lợn bằng sự hiện diện của kháng thể trong máu. Sự xuất hiện của bệnh Đóng dấu lợn trong quá khứ cũng có thể được xác nhận, tuy nhiên cũng có thể xem xét khả năng là bệnh cúm lợn. Ngoài ra cần xem xét sự nhiễm độc tố nấm mốc trong ngũ cốc phối hợp khẩu phần. Các vết loét hoại tử tai do cắn tai có sự phân bố khác nhau và thường bị viêm sưng rất nhanh.

Hình 1. Cuối tai bị rụng như vết cắt

Hình 2. Hoại tử tai đang tiến trển trên lợn cai sữa

Phòng ngừa

  • Các giải pháp cụ thể để ngăn ngừa hoại tử tai trên thực tế rất khó thực hiện. Phải xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa cụ thể. Chính vì vậy, nhiều khi sử dụng đại trà vaccine PCV2 (Porcine Circovirus type 2) hoặc autovaccine staphylococcus để ngăn ngừa căn bệnh này đã không làm giảm tỷ lệ nhiễm Hội chứng hoại tử tai ở lợn.
  • Tách ra khỏi đàn và đưa vào chuồng cách ly những con bị bệnh.
  • Giảm tối đa chấn thương tai bằng cách thiết kế hay sắp xếp lại chuồng trại với quy mô hợp lý, cấp thức ăn nước uống tự động đầy đủ để tránh hiện tượng cắn nhau khi giành ăn, tăng không gian nuôi, giảm kích cỡ nhóm và cung cấp đồ chơi (bóng, xích, gỗ tròn…), nghe nhạc nhẹ và sử dụng chất khử mùi. Cần quan tâm điều kiện tiểu khí hậu, tốc độ gió, tạo không khí trong lành, ấm về mùa đông mát về mùa hè cũng là giải pháp rất hữu ích.
  • Rửa / xịt / nhúng sát trùng lợn con lúc cai sữa có thể có hiệu quả cao trong việc giảm Bệnh viêm loét. Chú ý, sử dụng Savlon hoặc Virkon S với mục đích ngăn ngừa hoại tử tai thường không hiệu quả.
  • Quan trọng nhất, cần thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh định kì và nghiêm ngặt.

    Điều trị

  • Kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chăn nuôi lợn trên thế giới cho thấy điều trị và ngừa tình trạng này là rất khó khăn. Không có điều trị trong trường hợp hoại tử tai do rối loạn tuần hoàn, vì mô đã chết.
  • Trộn thuốc vào thức ăn cho lợn để điều trị cũng có hiệu quả thấp. Dùng kháng sinh bôi ngoài Novobiocin ở giai đoạn đầu có hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn sự phát triển hoại tử tai.
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh và từng cá thể, có thể dùng kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn xâm nhập da như Lincomycin hay Florfenicol cũng rất khả quan. Khi phát hiện sớm, bơm xịt Tetracycline lên phần tai đang hoại tử để hạn chế sự tiến triển của bệnh.

 

Lê Phạm Đại tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

  1. Lang Ch., Thomas V., Ursula H., Franz W., Herbert W. (2010), Etiology of the ear necrosis syndrome – investigation of infectious agents, in: Proceedings of the 21st IPVS Congress, Vancouver, Canada.
  2. Papatsiros V.G. (2011), Exploration of the connection between porcine necrotic ear syndrome and PCV2 infection, J Anim Vet Adv.,10(2), pp-185–187.
  3. Sheila M. and Torres F. (2012), Necrotic Ear Syndrome in Swine, Hanout paper, College of Veterinary Medicine, University of Minnesota
  4. Ear Necrosis từ www.nadis.org.uk/